Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc Quyển 3 (NXB Khai Trí 1966) - Nguyễn Hiến Lê, 233 Trang

Discussion in 'Giới Thiệu Sách Xưa' started by admin, Apr 24, 2021.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    [​IMG]
    Công trình mệt cho tôi nhất – mệt mà thú – hồi tản cư ở Long Xuyên nhất là viết bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc gồm ba cuốn: I. Từ thượng cổ đến đời Tuỳ; II. Đời Đường; III. Từ Ngũ đại đến hiện đại. Viết bộ đó chủ ý của tôi cũng là để tự học. Trong bài Tựa – mà tôi lấy làm đắc ý – tôi nói hồi ở trường Bưởi tôi đã tò mò muốn biết về văn học Trung Quốc. Nền cổ học Trung Quốc như có sức gì huyền bí thu hút tôi, một thanh niên theo Tây học. Mỗi lần nghe đúng tên như Văn tâm điêu long, Chiêu Minh văn tuyển, Tiền Xích Bích phú, Qui khứ lai từ… dù chẳng hiểu nghĩa, tôi cũng thấy trong lòng vang lên một điệu trầm trầm, như nhớ nhung cái gì. Phải chăng đó là tiếng vang những giọng ngâm nga của tổ tiên tôi còn văng vẳng trong lòng tôi?
    Muốn tìm hiểu văn học Trung Quốc mà sách báo Việt chỉ làm cho tôi thất vọng. Cuốn Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính sơ lược quá; còn đọc những bài dịch Cổ văn, thơ Đường đăng lác đác trên tạp chí Nam Phong và một số báo khác thì không khác gì coi mấy bông sói, bông hồng, bông ngâu, bông móng rồng mà mấy chị bán hoa ở phố Hàng Đường (Hà Nội) gói trong chiếc lá chuối, chứa trong cái thúng để bán cho các bà nội trợ mua về cúng rằm, làm sao biết được vườn làng Ngọc Hà, làng Yên Phụ ra sao. Tôi chỉ còn cách học chữ Hán để đọc sách của người Trung Hoa viết. Khi đã có một số vốn độ 3.000 chữ, đủ để mò trong các tự điển Trung Quốc, tôi kiếm mua mấy bộ Cổ văn, Đường thi, Văn học sử, Bạch thoại văn học sử, Trung Quốc văn học tư trào sử lược… như tôi đã nói (chương XIII), rồi mò mẫm lần. Thật khó nhọc vô cùng! Đọc một bài trong Cổ văn quan chỉ dài độ hai mươi hàng, tôi thường mất cả buổi mà chỉ hiểu lờ mờ. Bộ ấy chú thích rõ ràng, và có dịch cổ văn ra bạch thoại; nhưng cổ văn và bạch thoại của tôi đều ở mức sơ đẳng, phải dùng cổ văn để đoán bạch thoại và ngược lại dùng bạch thoại để đoán cổ văn.
    Còn những cuốn Văn học sử thì tuyệt nhiên không có chú thích, nhiều chỗ tôi phải viết thư hỏi bác tôi, nhưng không dám hỏi nhiều vì mất công bác viết thư trả lời. Đành đọc nhiều sách, nhiều lần rồi vỡ nghĩa dần. Học tới đâu tôi tóm tắt, ghi tới đấy, so sánh các sách, sắp đặt rồi chép trong những tập vở 100 trang. Sau cùng dịch một số bài văn thơ, viết thành chương. Nội công việc dịch và viết này cũng mất chín, mười tháng. Các bài cổ văn thì tôi dịch lấy, thơ tôi dịch được một số, bác tôi dịch cho một số lớn. Bài thơ nào không đề tên người dịch là của tôi, đề "Vô danh dịch" là của bác tôi. Hai bác cháu đều chú trọng nhất tới đức "tín", nghĩa là dịch sao cho đúng, cho sát, không dám sửa lời, thêm ý. Chúng tôi biết nhiều bài người trước đã dịch rồi mà hay, nhưng vì ở Long Xuyên thiếu sách, tôi không thể kiếm được, nên không dẫn vô.
    Tôi viết như vậy cốt để học, chứ không nghĩ đến việc in. Viết xong, thấy có thể giúp cho các bạn hiếu học có một khái niệm về văn học Trung Quốc nên mới sửa lại rồi cho xuất bản. Sự nhận định của tôi chắc không sai nhiều vì tôi đã tham khảo kĩ, bằng những phương tiện tôi có; bố cục có mạch lạc và sáng sủa; nhưng tôi nhận rằng còn những lỗi dịch sai, nhất là phiên âm sai, mặc dầu vậy tôi cũng cứ cho ra mắt độc giả. Sở dĩ "tôi cả gan như vậy là vì tin lòng quảng đại của các vị cựu học, không nỡ trách kẻ hậu tiến học thức nông cạn mà sẵn lòng hạ cố chỉ bảo cho những chỗ sai lầm, hầu giúp bọn tân học chúng tôi hiểu thêm cái cổ học của các cụ, tức là cái nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta" (trích trong bài Tựa).
    • Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc Quyển 3
    • NXB Khai Trí 1966
    • Nguyễn Hiến Lê
    • 233 Trang
    • File PDF-SCAN
    Link download
    http://nitroflare.com/view/30B33A006B72FD4
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTM6cEZ3WGQHg04L1
     

Share This Page